Ngoc Son Lam Blog

This blog is created in order to share you something about some knowledge of technical as well as one of my hobbies - travelling. Hope you can find useful information in this blog.

Arduino - Trò chơi xếp hình Lego cho người yêu công nghệ

Arduino chính là nền tảng cho người mới bắt đầu học điện tử và lập trình. Hãy cùng học Arduino để tăng khả năng sáng tạo và tạo ra những sản phẩm thú vị.

Blog - Nhật ký điện tử

Hãy cùng tìm hiểu Blog là gì và cách tạo ra nó như thế nào bằng cách click vào hình ảnh này.

Travel Review

Click vào đây để xem các bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch cũng như đánh giá về các điểm du lịch này.

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Blog là gì?

Đôi khi, trong cuộc sống thường ngày, bạn vẫn hay nghe những từ ngữ như "blog", "blogger",.. từ bạn bè hay ai đó. Cũng có thể bạn từng biết nó như là một dạng nhật ký trực tuyến trên Internet, dùng để chia sẻ những cảm xúc buồn, vui, yêu đương nhăng nhít gì đó. Tuy nhiên, khi mà xã hội ngày càng phát triển, và đặc biệt là sự bùng nổ của Internet thì khái niệm về Blog không còn đơn giản như vậy nữa. Vậy hãy cùng tìm hiểu Blog là gì và những lợi ích từ việc viết Blog qua bài viết này.

Blog là gì?
Theo Wiki, Blog, hay còn gọi là Weblog, là một dạng nhật ký trực tuyến giống như viết nhật ký đời thường, bùng nổ vào cuối thập niên 90.
Tuy nhiên hiện nay, blog không chỉ giới hạn ở dạng nhật ký nữa mà là một website cá nhân với nội dung hết sức đa dạng, từ những tâm sự cá nhân, nhận xét, đánh giá về một vấn đề nào đó trong xã hội, hay thậm chí là nơi cung cấp thông tin, kiến thức,...

Lợi ích khi viết blog
Khi mình ngồi đây để viết những bài viết như này thì cũng nhận không ít các comment từ một vài người như kiểu "rảnh quá", "mất thời gian",... Ừ thì... mất thời gian thật @@. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay có nhiều người viết blog như vậy. Dưới đây là một vài lý do để bạn có thể chấp nhận việc "mất thời gian" này:
     - Bạn sẽ học được nhiều thứ hơn. Ví dụ như khi làm trang blog này, mình ít nhiều học được một ít về ngôn ngữ html hay css trong lập trình web qua việc chỉnh sửa một số thứ trong code mẫu template, hay biết đc một số phần mềm để chỉnh sửa ảnh để làm banner hay logo,...
     - Bạn sẽ sáng tạo hơn: vì suy nghĩ ý tưởng cho các bài viết
    - Giúp bạn học cách trình bày văn bản tốt hơn, lý do là bạn phải suy nghĩ sắp xếp các ý tưởng, đoạn văn sao cho phù hợp nhất.
     - Giúp bạn diễn giải ý tưởng tốt hơn khi bạn phải suy nghĩ viết bài làm sao nghe có vẻ văn vẻ nhưng lại để cho người đọc dễ hiểu nhất
     - Có thể dùng blog của mình để bán hàng, có thể là sách, mỹ phẩm,...
     - Bản chất của blog là một dạng nhật ký, giúp người dùng nêu ra quan điểm, ý kiến của mình, do đó việc viết một bài viết mang tính chất chia sẻ có thể sẽ giúp bạn giảm bớt những mệt mỏi khi có những người đọc sẽ chia sẻ đồng cảm với bạn
     - Kiếm thêm thu nhập: nếu blog bạn viết bài hay, nhiều người xem, bạn hoàn toàn có thể thu hút các nhà quảng cáo, từ đó kiếm thêm chút tiền đổ xăng, ăn bánh

Tạo ra một trang blog có khó không?
Câu trả lời là tương đối dễ dàng. Hiện nay, có khá nhiều nền tảng công nghệ có sẵn giúp bạn dễ dàng tạo ra một trang blog, trong đó, phổ biến nhất là WordPress và Blogger.com. Trang blog này của mình dựa trên nền tảng Blogger.com.
Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều các mã nguồn quản lý nội dung được lập trình sẵn (template). Bạn chỉ cần làm thêm một số thứ để hoàn thành trang blog của mình.
Và tất nhiên, bạn sẽ phải biết một chút về ngôn ngữ html hay css cơ bản để tùy chỉnh trang blog.

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Hệ thống nhúng là gì?

Xuất hiện từ những năm đầu thập niên 60, hệ thống nhúng đang dần trở thành một ngành phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp cũng như đời sống hằng ngày. 
Chúng ta hãy tìm hiểu xem hệ thống nhúng là gì và ứng dụng của nó như thế nào?


Hệ thống nhúng là gì?
Nhiều bạn sẽ tự hỏi, chữ "nhúng" có ý nghĩa là gì? Tại sao gọi là "hệ thống nhúng"?
Nó là một hệ thống được tích hợp cả phần cứng và phần mềm phục vụ các bài toán chuyên dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa,...
Nói nghe có vẻ khó hiểu phải không? Giờ bạn có thể hiểu một cách đơn giản hơn, hệ thống nhúng là một bảng mạch điện tử, sau đó được "nhúng" vào một hệ thống lớn hơn để thực hiện một ứng dụng nào đó.
Lấy ví dụ như giờ bạn có một chiếc điện thoại thông minh, thực hiện được nhiều chức năng như chụp ảnh, quay phim, hiển thị màn hình,... Mỗi chức năng đó là một hệ thống nhúng, kết hợp nhiều chức năng lại thì bạn được một hệ thống lớn là chiếc điện thoại thông minh.

Đặc điểm của hệ thống nhúng
Hệ thống nhúng thường có các đặc điểm chung như sau:
     - Chỉ thực hiện một số chức năng chuyên dụng: không giống như các máy tính đa năng, ví dụ như máy vi tính, hệ thống nhúng chỉ thực hiện một số chức năng nhất định. Ví dụ, máy nghe nhạc MP3 chỉ cho phép chúng ta nghe nhạc, máy chơi game để chúng ta chơi game,...
     - Đòi hỏi ràng buộc về thời gian thực để đảm bảo tính an toàn và tính ứng dụng. 
     - Có tài nguyên giới hạn về phần cứng (bộ nhớ) cũng như phần mềm (ít ứng dụng)

Các ứng dụng của hệ thống nhúng
Hệ thống nhúng được ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta như camera, máy nghe nhạc, máy giặt,...
Trong các lĩnh vực công nghiệp, chẳng hạn như ô tô, hệ thống nhúng giúp điều khiển động cơ, bảo vệ an toàn, giám sát, theo dõi hành trình,...





PLC là gì?

Hiện nay, việc nâng cao năng suất trong lao động là bài toán được các doanh nghiệp quan tâm nhất. Muốn đạt năng suất cao thì phải đảm bảo các quá trình trong dây chuyền sản xuất phải được thực hiện một cách liên tục. Mà các công việc được thực hiên một cách liên tục nếu để con người đảm nhận thì sẽ khó có thể đạt năng suất tối đa. Do đó cần có một hệ thống tự động để giải quyết nhu cầu tất yếu này.
Để điều khiển một hệ thống tự động, ta có thể sử dụng vi điều khiển. Tuy nhiên, trong môi trường công nghiệp đòi hỏi độ bền cao và đặc biệt là ít chịu tác động của nhiễu, thì vi điều khiển có vẻ như chưa thực sự đáp ứng được. Từ đó, PLC được ra đời để giải quyết vấn đề này. Vậy PLC là gì?

PLC là gì?
PLC viết tắt của từ "Programmable Logic Controller", là một thiết bị điều khiển lập trình cho phép thực hiện linh hoạt các thuật toán điều khiển logic thông qua một ngôn ngữ lập trình. Người sử dụng có thể lập trình để thực hiện một loạt trình tự các sự kiện. 
Bạn có thể hiểu PLC giống như Arduino, là một thiết bị được lập trình để điều khiển các thiêt bị, tuy nhiên, PLC được sử dụng trong môi trường công nghiệp.
PLC của hãng Mitsubishi

Ưu điểm của PLC
Như đã nói ở trên, PLC ưu thế hơn vi điều khiển ở khả năng chống nhiễu. Ngoài ra, PLC còn các ưu điểm khác như sau:
      - Giảm đáng kể số lượng dây nối
     - Chức năng điều khiển thiết bị thay đổi dễ dàng bằng việc lập trình, khi không có các yêu cầu thay đổi đầu vào-ra thì không cần thay đổi phần cứng.
     - Dễ dàng bảo quản, sữa chữa

Ứng dụng của PLC
Do tính chất ổn định và chống nhiễu, PLC có nhiều ứng dụng như thang máy, máy in, các dây chuyền sản xuất trong công nghiệp,...

Các hãng/ loại PLC phổ biến 
Hiện nay, có nhiều hãng sản xuất PLC nổi tiếng và được sử dụng phổ biến như: Siemens, Mitsubishi, Rockwell, Omron, Delta,...

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Adobe Dreamweaver CS6 - Công cụ lập trình web chuyên nghiệp

Đây là chương trình thiết kế web chuyên nghiệp với giao diện trực quan giúp người dùng dễ dàng thiết kế, chỉnh sửa trang web của mình theo ý muốn. 
Một số tính năng của phần mềm Adobe Dreamweaver CS6
     - Hỗ trợ thiết kế web cho thiết bị di động: tính năng mới nhất cho phép bạn có thể thiết kế trên các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bạn
     - Có thể xem trước bản thiết kế trước khi lưu
     - Cho phép người dùng nhập các font chữ ngoài vào hệ thống để tạo nên các thiết kế đẹp mắt

Download:
Bạn có thể download sử dụng link bên dưới:

FileZilla - Phần mềm Upload dữ liệu

FileZilla là phần mềm miễn phí, hỗ trợ upload file, dữ liệu lên Server một cách nhanh chóng.
Một số tính năng của phần mềm FileZilla:
     - Upload file và dữ liệu lên Server nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả: có thể upload nhiều file cùng một lúc
     - Hoạt động tương thích trên nhiều giao thức Internet như FTP, SSH, SFTP. Ngoài ra, bạn có thể kết nối vào nhiều server cùng lúc hay nhiều kết nối đến cùng một server.
     - Hỗ trợ nhiều định dạng dữ liệu như text, hình ảnh, âm thanh,...
     - Chạy được trên nhiều hệ điều hành như Window, Linux, Mac OS X và BSD

Download:
     - Với hệ điều hành Window 32-bit:
          https://drive.google.com/file/d/18mJqzjSD4ETue7XRTZxl_sRIhoaeT_Jy/view?usp=sharing
   
     - Với hệ điều hành Windown 64-bit:
          https://drive.google.com/file/d/1ctin7wZlyOqWViR_I108IuXlWLjFV2m3/view?usp=sharing

Một số cách thay đổi kích thước hình ảnh đơn giản

Đôi khi vì một lý do nào đó mà bạn muốn thay đổi kích thước của một hình ảnh sao cho phù hợp với mục đích của mình. Vậy thì bạn sẽ làm cách nào?
Bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn một số công cụ giúp thay đổi kích thước hình ảnh đơn giản nhất.
Cách 1: Sử dụng Microsoft Paint
Đây là ứng dụng có sẵn trong hệ điều hành Window, bạn không cần phải download hay cài đặt gì cả. Ứng dụng này thì chắc là ai cũng biết, nhưng cũng sẽ có nhiều bạn ít để ý rằng nó cũng có một chức năng cho phép bạn thay đổi kích thước hình ảnh. Với ứng dụng này, các bạn có thể làm như sau:
Bước 1: Mở ứng dụng Microsoft Paint
Mở Start Menu, sau đó gõ chữ "paint" vào và nhấn Enter

Bước 2: Mở hình ảnh cần thay đổi kích thước
Chọn Paint, sau đó chọn Open và tìm đến hình ảnh mà bạn cần thay đổi kích thước:

Bước 3: Chọn Resize

Bước 4: Chọn kích thước mà bạn muốn thay đổi
Lúc này, xuất hiện hộp thoại Resize and Skew. Các bạn có thể chọn resize theo Percentage (phần trăm) hay resize theo Pixel (đơn vị).
- Resize theo phần trăm: 

- Resize theo đơn vị Pixel (bạn nhớ tick chọn vào ô Pixels):
Lưu ý:
     - Mặc định, khi bạn nhập vào chiều rộng mà bạn muốn thay đổi thì chiều cao cũng tự động thay đổi theo, ví dụ như sau, khi bạn nhập vào chiều rộng là 4000 thì chiều cao tự động hiển thị 2500:

     - Do đó, nếu bạn muốn tùy chỉnh theo ý bạn, ví dụ chiều rộng là 4000 và chiều cao là 3000 thì bạn phải bỏ tick ở tùy chọn "Maintain aspect ratio":

Bước 5: Nhấn OK để lưu ảnh

Cách 2: Sử dụng picresize Online
Cách này dùng cho các bạn "lười" download phần mềm mà lại không thích xài Paint có sẵn trong máy. Các bạn có thể làm như sau:
Bước 1: Truy cập vào trang picresize.com

Bước 2: Chọn ảnh cần thay đổi kích thước
Các bạn click vào nút "Browse" để chọn ảnh từ máy tính của bạn

Sau đó click vào "Continue" để tiếp tục:

Bước 3: Chọn kích thước cần thay đổi
Ở mục số 2, Các bạn có thể chọn các kích thước gợi ý có sẵn, hoặc có thể chọn "Customize Size" để tùy chỉnh kích thước theo ý bạn:
Ngoài ra, ở trang này, các bạn có thể thực hiện các thao tác đơn giản với ảnh như xoay (mục số 1) hay chọn hiệu ứng cho hình ảnh (mục số 3).

Bước 4: Chọn định dạng hình ảnh
Có 4 định dạng hình ảnh mà bạn có thể lựa chọn là: JPG, PNG, GIF, BMP. Bạn sẽ chọn một trong bốn định dạng này trong phần "Image Format". (1)
Nếu bạn chọn định dạng JPG, bạn có thể chọn chất lượng hình ảnh với ba lựa chọn là: Good, Better, Best trong phần  JPG Quality (2)
Sau đó, bạn nhấn vào nút "I'm done, Resize my picture" để hệ thống tiến hành thay đổi kích thước cho hình ảnh của bạn. (3)

Bước 5: Lưu ảnh về máy
Cuối cùng, các bạn chọn Save to Disk để lưu ảnh về máy tính. Các bạn có thể chọn View Image để xem trước xem có được chưa, nếu chưa thì chọn Resume Edit để quay lại trang chỉnh sửa.

Cách 3: Sử dụng phần mềm Paint.net
Đây là một phần mềm chỉnh sửa hình ảnh miễn phí dành cho hệ điều hành Window, phát triển từ nền tảng Microsoft Paint, giúp các bạn thay đổi kích thước hình ảnh nhanh chóng và chất lượng. Dưới đây là các bước để các bạn thay đổi kích thước cho hình ảnh:
Bước 1: Download và cài đặt phần mềm Paint.net
Phần mềm này có dung lượng khá nhẹ nên việc download và cài đặt sẽ không tốn nhiều thời gian của các bạn. Các bạn có thể download phần mềm này tại Đây.

Bước 2: Mở phần mềm Paint.net

Bước 3: Chọn hình ảnh cần thay đổi kích thước
Các bạn chọn File, sau đó chọn Open để mở hình ảnh

Sau đó, các bạn chọn Image -> Resize để thay đổi kích thước cho ảnh

Bước 4: Thay đổi kích thước
Tương tự như Paint, các bạn có thể thay đổi kích thước theo phần trăm hoặc theo đơn vị pixel. Nếu chọn resize theo phần trăm, các bạn tick vào By percentage, sau đó chọn phần trăm cần thay đổi:

Nếu như bạn chọn resize theo đơn vị pixel, tick chọn By absolute size, sau đó chọn kích thước theo đơn vị pixel mà bạn muốn thay đổi:

Cũng giống như Microsoft Paint, mặc định khi bạn thay đổi chiều rộng thì chiều cao cũng tự động thay đổi theo, để có thể tùy chọn kích thước mong muốn, bạn bỏ tick ở "Maintain aspect ratio", sau đó chọn kích thước cho chiều rộng và chiều cao:

Sau khi đã chọn kích thước mong muốn, các bạn nhấn vào nút OK.

Bước 5: Lưu ảnh
Cuối cùng, các bạn chọn File, sau đó chọn Save, chọn nơi mà các bạn muốn lưu trong máy tính của bạn và nhấn OK để hoàn tất nhé.

Lời kết
Ở trên là một số công cụ đơn giản để giúp các bạn thay đổi kích thước hình ảnh. Chúc các bạn thành công.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Tên miền là gì? Tại sao phải cần tên miền?

Tên miền là gì?
Tên miền (domain) là một đường dẫn tới trang web của bạn. Nói dễ hiểu thì nó chính là địa chỉ để truy cập vào trang web.
Tên miền có hai phần:
     - Phần tên: là tên mà bạn có thể đặt cho trang web của mình sao cho dễ nhớ, phù hợp với chủ đề trang web nhất.
     - Phần mở rộng: hay còn gọi là phần đuôi, bắt đầu bằng dấu ".", ví dụ như .com, .vn,...

Ví dụ:
     - Tên miền của báo 24h là 24h.com.vn
     - Tên miền của Kênh mua sắm trực tuyến Lazada là lazada.vn

Tại sao phải cần tên miền?
Nếu không sử dụng tên miền, bạn sẽ phải truy cập vào trang web của mình thông qua một địa chỉ IP có dạng xxx.xxx.xxx.xxx, sẽ rất khó nhớ và khó tìm đối với những người sử dụng trang web của bạn, hay thậm chí là bạn. 
Ví dụ như trang báo 24h, nếu họ không sử dụng tên miền là 24h.com.vn, các bạn sẽ cần phải nhớ địa chỉ IP của họ là 125.212.247.3 để truy cập vào, rất khó nhớ đúng không? Ngược lại, cái tên 24h sẽ dễ nhớ hơn và dễ search trên google hơn.

Phân loại tên miền
Tên miền quốc tế: do Trung tâm quản lý tên miền quốc tế cấp, có cấu trúc gồm tên đăng ký và đuôi mở rộng. Ví dụ như: google.com, youtube.com,...

Tên miền quốc gia: cũng có cấu trúc giống như tên miền quốc tế nhưng có thêm đuôi ký hiệu của quốc gia đó. Ví dụ như ở Việt Nam, google phiên bản tiếng việt là google.com.vn, báo 24h là 24h.com.vn,...

Các đuôi tên miền phổ biến và ý nghĩa của nó
- .com: viết tắt của từ "commercial", nghĩa là thương mại, thích hợp cho các doanh nghiệp sử dụng.
- .net: viết tắt của từ "network", nghĩa là mạng lưới
- .org: viết tắt của từ "organization", có nghĩa là tổ chức, thường dùng cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các tổ chức liên kết thương mại
- .info: viết tắt của từ "information", có nghĩa là thông tin, thường dùng cho các trang web cung cấp thông tin
Và còn khá nhiều đuôi tên miền phổ biến khác như .biz, .edu,...

Các nhà cung cấp tên miền uy tín ở Việt Nam
Dưới đây là một số nhà cung cấp tên miền được đánh giá là tốt nhất ở Việt Nam hiện nay (các bạn có thể click vào tên nhà cung cấp để đi tới trang web của họ):
     - PA Việt Nam
     - Digistar
     - Tenten
     - Matbao
Ngoài ra, còn khá nhiều nhà cung cấp uy tín như Nhân Hòa, BKNS,...

Các nhà cung cấp tên miền miễn phí
Đối với các bạn muốn thử nghiệm, học hỏi hay chỉ sử dụng website trong thời gian ngắn thì việc tìm kiếm cho mình một tên miền miễn phí là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay có một số nhà cung cấp tên miền miễn phí như:
     - Dot.tk
     - CZ.CC
     - UNI.ME
Một số nhà cung cấp tên miền miễn phí khác như: Smartdots, CU.CC,...

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Bạn cần làm gì để có thể xây dựng một trang web?

Hiện nay, khi mà Internet đã phát triển vượt bật, các bạn hoàn toàn có thể tự xây dựng cho mình một trang web để phục vụ cho việc học tập hoặc xa hơn nữa là kinh doanh. Tuy nhiên, bạn chưa biết được mình sẽ bắt đầu từ đâu và phải làm những gì để tạo nên một trang web. Vậy thì hãy theo dõi bài viết này để có thể hình dung ra các bước cần thiết để có thể tự xây dựng cho mình một trang web nhé.


Để cho dễ hiểu, các bạn có thể tưởng tượng việc tạo ra một trang web giống như việc xây dựng một căn nhà. Vậy thì mình sẽ cần làm gì để có thể hoàn thiện căn nhà đó?

Bước 1: Trang bị cho mình một ít kiến thức về lập trình web
Bạn sẽ phải học những ngôn ngữ lập trình web cơ bản như HTML để thiết kế giao diện, CSS để trang trí cho giao diện đó và PHP để xử lý các chức năng của trang web. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về Java Script và MySQL để trang web của bạn được linh hoạt hơn.
Như vậy, ở bước này, các bạn có thể tưởng tượng ngôn ngữ HTML chính là những viên gạch để xây nên căn nhà, CSS chính là nước sơn, còn PHP là vữa kết dính các viên gạch để tạo ra cầu thang, phòng ngủ,...Bạn cần phải mua những thứ đó thì mới xây nhà được.

Bước 2: Lên ý tưởng cho giao diện trang web
Giờ thì bạn phải suy nghĩ xem kiến trúc của căn nhà như thế nào? Nội thất của nó ra sao? Nghĩa là bạn cần phải hình dung ra giao diện của trang chủ cũng như các trang khác.

 Bước 3: Mua hosting
Trước khi xây nhà thì bạn cần phải mua đất. Hosting giống như là một mảnh đất đó, từ đó các bạn có thể xây dựng các giao diện cũng như nội dung trang web của mình trên đây. Để có được hosting, bạn có thể mua từ các nhà cung cấp hosting ở Việt Nam. Hiện nay cũng có một số nhà cung cấp hosting miễn phí thích hợp cho việc học tập hay xây dựng một ứng dụng nho nhỏ. Để hiểu rõ hơn về hosting và một số nhà cung cấp uy tín, các bạn có thể xem bài viết này.

Bước 4: Đăng ký tên miền
Mua đất rồi, giờ lên phường xin cái địa chỉ. Tên miền (domain) chính là địa chỉ trang web của các bạn. Nếu không sử dụng tên miền thì bạn sẽ phải truy cập vào trang web của mình bằng một địa chỉ IP, ví dụ như 192.168.5.xxx nào đó, rất khó nhớ và khó tìm đối với người sử dụng trang web của bạn hay thậm chí là cả bạn. Mình cũng có một bài để các bạn có thể hiểu rõ hơn về tên miền tại Đây.

Bước 5: Xây dựng website
Rồi. Bây giờ đã có đất, vật tư, địa chỉ cũng xin được rồi. Giờ thì mình cần thêm một số công cụ như là xẻng, bay, thước dây hay gì đó là có thể xây nhà được rồi. 
Để lập trình, bạn có thể sử dụng phần mềm Dreamweaver hoặc đơn giản hơn là Notepad++.
Phần mềm Dreamweaver Adobe CS6

Hoặc bạn cũng có thể viết code trực tiếp trên Cpanel của hosting của bạn.
Sau đó, các bạn download và cài đặt phần mềm FileZilla để upload file, dữ liệu lên server:
Phần mềm Filezilla
Tương tự, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ Quản lý file và tập tin trên Cpanel để upload các file source code của bạn. 

Lời kết
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thể hình dung được những bước cần thiết để xây dựng cho mình một trang web phục vụ cho việc học tập hoặc kinh doanh. 
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Nếu có sai sót gì, các bạn cứ tự nhiên góp ý nhé.


Hosting là gì?

Khi bắt đầu xây dựng một trang web, điều đầu tiên chúng ta cần phải quan tâm chính là Hosting. Vậy Hosting là gì? Hãy cũng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Hosting là gì?
Hosting là một dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến, là không gian trên máy chủ có cài đặt các dịch vụ Internet như World wide web, mail, truyền file,...Bạn có thể chứa nội dung trang web hay dữ liệu trên đó.

Bạn có thể tưởng tượng việc xây dựng một trang web giống như việc xây một căn nhà. Trước khi xây được căn nhà thì bạn phải cần có một mảnh đất. Hosting chính là mảnh đất đó. Với mảnh đất này, bạn có thể xây dựng các giao diện cũng như nội dung cho trang web.

Tại sao phải cần có Hosting?
Nếu không có hosting thì website chỉ hoạt động trên máy tính của bạn mà thôi. Ví dụ như bạn có một file trong máy tính, lúc này chỉ có mình bạn nhìn thấy. Nếu bạn muốn cho người khác xem thì bạn cần phải tải file đó lên mạng. Và nơi có thể chứa file đó gọi là hosting.

Hosting Controller hay Cpanel là gì?
Cpanel là một trình quản lý Hosting, giúp khách hàng sử dụng có thể quản lý và cấu hình cho hosting.
Cpanel cung cấp một số dịch vụ như:
     - Quản lý cơ sở dữ liệu như PHPAdmin, MySQL
    - Quản lý file và các tập tin: bạn có thể thêm, sửa, xóa, copy, di chuyển, upload hay bảo mật cho các file và tập tin đó
     - Quản lý các ứng dụng
     - Thiết lập bảo mật cho hosting
     - Quản lý tên miền 

Các nhà cung cấp và lý do chọn Hosting ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều nhà cung cấp hosting. Ưu điểm khi dùng hosting ở Việt Nam so với nước ngoài là tốc độ truy cập sẽ nhanh hơn (do ở cùng đất nước), dễ dàng đăng ký và thanh toán. Ngoài ra, bạn sẽ không gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ.
Dưới đây là một số nhà cung cấp hosting được đánh giá là tốt nhất hiện nay (các bạn có thể click vào tên nhà cung cấp để đi tới website của họ):
     - Azdigi
     - vHost
     - Digistar
     - Matbao
     - PA Việt Nam
Và còn khá nhiều nhà cung cấp hosting chất lượng khác.

Hosting miễn phí
Hosting miễn phí là gói hosting mà bạn không cần phải trả phí khi sử dụng, phù hợp cho các bạn cần hosting để thử nghiệm và học tập.
Dưới đây là một số nhà cung cấp hosting miễn phí được đáng giá là tốt nhất hiện nay (các bạn có thể click vào tên nhà cung cấp để đi tới website của họ):
     - 000webhost
     - AdwardSpace
     - Byethost
     - Uhostfull
     - UltraWebHosting

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Hướng dẫn cài đặt Arduino IDE - môi trường lập trình cho Arduino

Giới thiệu
Để lập trình Arduino, các bạn cần một môi trường để lập trình, hay còn gọi là IDE (Intergrated Development Environment). Vì thế, đội ngũ kỹ sư của Arduino đã phát triển ra một công cụ để lập trình cho Arduino, đó chính là Arduino IDE. Công cụ này có thể chạy trên các hệ điều hành Window, Linux và MAC OS X.
Trong bài viết này, mình hướng dẫn các bạn cài đặt trên hệ điều hành Window.

Hướng dẫn cài đặt
Bước 1: Cài đặt Java Runtime Environment
Trước hết, bạn cần phải cài đặt Java Runtime Environment (JRE) do Arduino được viết trên Java. Các bạn có thể download tại Đây.
Tùy theo máy tính của bạn là 32bit hay 64bit mà tải bản tương ứng.

Bước 2: Download Arduino IDE
Các bạn có thể truy cập vào địa chỉ sau: https://www.arduino.cc/en/Main/Software/ 
Tại đây, bạn có thể thấy được bản Arduino IDE mới nhất. Để download các bạn chọn "Window zip file for non admin install" như hình bên dưới:


Tiếp tục chọn "Just Download". Ở đây, nếu các bạn muốn đóng góp tiền để ủng hộ cho nhà phát triển thì có thể chọn "Contribute & Download":


Sau khi đã download, bạn sẽ được một file nén. Lúc này bạn cần giải nén nó ra. Sau đó, copy thư mục vừa giải nén đến nơi mà bạn muốn lưu trữ trong máy tính của bạn.

Bước 3: Bạn chạy file Arduino.exe để khởi động Arduino IDE

Bước 4: Cài đặt Driver
Chúng ta cần phải cài đặt Driver để máy tính và board Arduino có thể giao tiếp được với nhau.
Bạn vào thư mục Driver và chạy file "dpinst-amd64.exe" nếu máy tính của bạn là 64-bit hoặc file "dpinst-x86.exe" đối với máy tính 32-bit.
Khi chạy file này, máy tính sẽ yêu cầu bạn xác nhận cho phép cài đặt driver này, bạn chọn "Yes" để tiếp tục nhé:

Sau đó, cửa sổ "Device Driver Installation Wizard" sẽ hiện ra, các bạn chọn Next để tiếp tục:

Cuối cùng bạn nhấn "Finish" để hoàn tất quá trình cài đặt Driver cũng như Arduino IDE.
Lưu ý:
Nếu các bạn sử dụng Window 8, có thể bạn sẽ gặp lỗi khi cài đặt Driver do driver không được ký bằng chữ ký hợp lệ. Do đó, bạn cần phải vào Window ở chế độ Disable Driver Signature enforcement. Các bạn có thể xem chi tiết cách làm tại đây.

Giao diện Arduino IDE
Sau khi cài đặt thành công, các bạn sẽ thấy một giao diện như sau:

Trên giao diện:
- Vùng lệnh: vùng này sẽ gồm các bút menu như File, Edit, Sketch, Tools, Help, cùng với đó là các icon cho phép bạn thực thi chương trình, upload chương trình lên board, tạo một file mới, lưu file, mở file.
- Vùng viết chương trình: bạn có thể viết code tại đây.
- Vùng thông báo: vùng này sẽ thông báo cho bạn quá trình nạp code có thành công hay không, nếu không thành công, nó cũng sẽ hiển thị lỗi để các bạn fix.

Lời kết
Như các bạn thấy, Arduino IDE có giao diện cực kỳ đơn giản và dễ sử dụng phải không nào? Sau khi đã download và cài đặt thành công, hãy cùng mình tạo ra những ứng dụng thú vị nhé.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Nếu có sai sót ở đâu, các bạn cứ tự nhiên góp ý nhé.

Arduino Uno R3

Giới thiệu
Arduino Uno R3 là loại phổ biến và dễ sử dụng nhất trong các dòng Arduino hiện nay cũng như tương thích với nhiều loại Arduino Shield nhất. Do đó, đây chính là dòng Arduino thích hợp cho những người bắt đầu tiếp xúc với Arduino.
Board Arduino Uno R3

Một vài thông số chính
- Vi điều khiển: Arduino Uno R3 sử dụng ATmega328 là vi điều khiển chính của board và chip ATmega16U2 làm chip nạp và giao tiếp UART. 
- Nguồn nuôi: Thường thì khi học Arduino, bạn có thể sử dụng nguồn 5V từ cổng USB kết nối với máy tính của bạn qua dây Serial đi kèm với Arduino lúc mua làm nguồn nuôi cho Arduino để tiện cho việc nạp chương trình. Ngoài ra, bạn cũng có thể cấp nguồn ngoài thông qua Jack tròn DC với điện áp khuyên dùng là 7-12VDC. Tuy nhiên, sử dụng 9V là hợp lý nhất vì nếu cắm vào 12V thì IC ổn áp rất dễ chết, từ đó dễ làm hỏng board.
- Số chân:
     + Digital: 14 chân (hỗ trợ 6 chân PWM)
     + Analog: 6 chân
- Dòng ra tối đa trên mỗi chân: 40mA
- Dòng ra tối đa trên chân cấp nguồn 3.3V: 50mA
- Dung lượng bộ nhớ Flash: 32kB, trong đó 0.5kB được sử dụng bởi Bootloader
- SRAM: 2kB
- EEPROM: 1kB
- Tốc độ thạch anh: 16MHz

Chức năng của các chân trên Board Arduino Uno R3
1. Nhóm chân năng lượng 

- Chân 5V: cung cấp điện áp 5V đầu ra, dòng tối đa trên chân này là 500mA. Có thể sử dụng chân này làm nguồn cấp cho một số cảm biến hay nút nhấn,..
- Chân 3.3V: cung cấp điện áp 3.3V đầu ra, dòng tối đa trên chân này là 50mA. 
- Chân GND: cực âm của nguồn 5V hay 3.3V. Cần chú ý là khi bạn không dùng nguồn 5V hoặc 3.3V của board để cấp nguồn cho thiết bị mà sử dụng một nguồn riêng biệt, thì bạn cũng cần phải nối chân GND của nguồn đó với chân GND của board Arduino.
- Chân Vin: chân để cấp nguồn cho Arduino. Khi bạn muốn cấp nguồn cho Arduino bằng chân này mà không sử dụng nguồn USB hay Jack tròn DC, thì bạn cắm cực dương vào chân này và cực âm vào chân GND.
- IORF: điện áp hoạt động của vi điều khiển trên board được đo ở chân này, luôn là 5V. Tuy nhiên bạn không được sử dụng chân này để cấp nguồn cho các thiết bị khác.

2. Nhóm chân Analog

Board Arduino Uno R3 gồm có 6 chân Analog: A0 - A5. Các chân này được sử dụng để kết nối với các cảm biến Analog như cảm biến nhiệt độ, cảm biến khí gas, biến trở,...
Ngoài ra, chân A4 được sử dụng như SDA và chân A5 được sử dụng như chân SCL trong giao tiếp I2C/TWI.

3. Nhóm chân Digital

Gồm có 14 chân Digital: 0 - 13. Các chân này được sử dụng để đọc và xuất tín hiệu. Do là chân Digital nên chúng có hai mức tín hiệu 0V (Low) và 5V (High).
Trong đó, một số chân Digital còn có chức năng đặc biệt như sau:
- Chân 0 và chân 1: được sử dụng như hai chân giao tiếp Serial, với chân 0 là RX và chân 1 là TX
- Chân 3, 5, 6, 9, 10, 11 (các chân có dấu ~ ): hỗ trợ PWM, cho phép bạn xuất ra xung PWM với độ phân giải 8bit
- Chân 10, 11, 12, 13: dùng để truyền dữ liệu bằng giao thức SPI với các thiết bị khác.

Ngoài ra, trên board còn được trang bị một nút nhấn Reset để reset board.




Arduino là gi?


Arduino là gì?
Arduino là một board mạch vi xử lý được lập trình để tương tác với các thiết bị như cảm biến, nút nhấn, động cơ, bóng đèn,...

Do môi trường phát triển dễ sử dụng, ngôn ngữ lập trình cực kỳ dễ học, các ngoại vi trên board mạch đã được chuẩn hóa nên có thể nói Arduino chính là nền tảng cho người mới bắt đầu học điện tử và lập trình. 
Ngoài ra, do Arduino là một platform đã được chuẩn hóa nên chúng ta có thể kết hợp Arduino với nhiều board mở rộng (shield) như Motor Shield để điều khiển động cơ, Relay Shield để điều khiển relay,... Chúng ta chỉ việc tập trung vào việc lắp ghép các Shield này với Arduino, sau đó lập trình để tạo ra những ứng dụng thú vị. Vì vậy, rất nhiều người đã gọi Arduino là "Trò chơi xếp hình Lego cho người yêu công nghệ".

Một số loại Arduino
Hiện nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau cho Arduino. Trong đó, Arduino Uno R3 chính là cái tên được sử dụng phổ biến và phù hợp với người bắt đầu học lập trình. Đây cũng chính là dòng Arduino tương thích với nhiều Shield nhất. Bạn có thể hiểu rõ hơn về Arduino Uno R3 ở bài viết này.
Board Arduino Uno R3
Dòng Arduino tiếp theo mình muốn giới thiệu tới các bạn là Arduino Mega 2560 R3. Đây chính là phiên bản nâng cấp của Uno R3 với số ngoại vi và bộ nhớ nhiều hơn, phù hợp với các ứng dụng cần nhiều chân giao tiếp cũng như cần nhiều bộ nhớ hơn.
Board Arduino Mega 2560 R3
Một dòng Arduino phổ biến nữa chính là Pro Mini. Đây chính là phiên bản nhỏ gọn nhất trong các dòng Arduino nhưng vẫn đầy đủ tính năng tương đương với Uno R3, thậm chí có nhiều hơn hai chân Analog do sử dụng chip dán. Ngoài ra giá thành cũng rất phải chăng. Điểm trừ duy nhất của dòng này là việc nạp code phức tạp hơn một chút. Có hai loại Pro Mini là phiên bản 5V 16MHz và phiên bản 3.3V 8MHz.

Board Arduino Promini 
Ngoài ra, còn nhiều dòng Arduino khác như Nano, Due, Leonardo, Esplora,...

Cần những gì để có thể lập trình Arduino?
Để lập trình Arduino và tạo ra các ứng dụng thú vị, đầu tiên bạn cần chuẩn bị cho mình một board mạch Arduino, và như đã giới thiệu ở trên, Uno R3 chính là dòng thích hợp nhất để bắt đầu.
Tiếp đó, bạn cần một môi trường để lập trình cho Arduino, đó chính là Arduino IDE. Các bạn có thể xem hướng dẫn Download và cài đặt ở Đây.
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị cho mình một ít kiến thức về ngôn ngữ C để có thể lập trình Arduino.

Lời kết
Arduino chính là nền tảng hữu ích cho người mới bắt đầu học điện tử và lập trình. Với nền tảng này, mọi người sẽ có thể tạo ra nhiều ứng dụng vô cùng thú vị.